Một chiều cuối xuân nắng nhạt chúng tôi về lại Ðò Lèn (Hà Trung, Thanh Hóa). Vẫn cây cầu sắt lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông hiền hòa. Vẫn đôi bờ ào ạt sóng nước. Nhưng những bãi cát dài ươm đầy ngô xanh mướt mắt, những bụi tre, khóm chuối, những vạt trầu xanh lên giàn... đã xóa đi dấu vết chiến tranh của một thời. Cũng phải thôi, đã bốn mươi tư năm rồi còn gì, gần nửa thế kỷ đã đi qua.
Thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm bảy lăm, nếu không có sử sách, nếu không có sự hướng dẫn của bậc cha chú, thì hẳn sẽ không hình dung nổi nơi đây một thời từng là chiến địa oanh liệt.
Tôi còn nhớ, hồi mới kết thúc chiến tranh, có người chỉ nhặt những vỏ bom tấn, bom tạ trong vườn nhà mình và hàng xóm cũng đủ để rào chung quanh vườn. Cả một khoảnh vườn rộng cả sào đất được ken dày những vỏ bom, cái cong queo, cái bẹp dúm, cái thì toác toang... trông thật lạ mắt. Thế mới biết lượng đạn bom mà máy bay Mỹ đã thả xuống khu vực này nhiều đến chừng nào. Rồi những hố bom được vét thành ao. Một loạt ao nối nhau thẳng hàng, cái nọ cách cái kia dăm chục mét, đều tăm tắp, thật lạ. Làng tôi có mấy cái ao to rộng cũng được các phi công Mỹ đào hộ, chả mất công lênh gì.
Hà Trung có địa hình khá đặc biệt, đó là hai dạng địa hình phổ biến: bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng. Ruộng thì sâu trũng, lại có đồi núi bao bọc. Có những cánh đồng bốn bề là núi đá. Mưa xuống một trận là nước đọng lại mênh mông như biển. Các xã ven cầu Lèn như Hà Phong, Hà Ngọc có vùng đồng mỗi năm chỉ cấy được một vụ chiêm, còn bỏ trắng vụ mùa, vì mùa tháng tám tháng mười cánh đồng ấy nước ngập đến ngực. Dân mấy làng đó thạo nghề đánh nhủi, nhặt tép muối mắm là vì thế. Mắm tép Hà Phong ngọt lừ, từng được chọn để tiến vua...
Cây lúa ở Hà Trung bấp bênh lắm. Vụ tháng mười, cấy đàng hoàng, chăm bón chu đáo đấy, nhưng lo nơm nớp. Một tảng mây đen ở đằng đông cũng khiến hàng vạn con người bồn chồn lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên. Làng tôi vẫn truyền đời một câu chuyện xót xa. Một năm, tháng mười, lúa chín vàng rực, người làng rủ nhau xuống đồng gặt. Cắm cây đòn xóc đầu bờ, buông quần bẩm gót xuống ruộng nẻ chân chim đưa hái. Một trận mưa ập xuống, chạy về tránh mưa. Mưa xối xả cả đêm, mưa tuôn như xát muối vào ruột. Sáng ra, đồng nước đã trắng băng. Cây đòn xóc cắm đầu bờ chỉ còn nhô lên mấp mô mặt nước. Hạt lúa căng tròn ngâm trong nước, thối rữa. Trời tuôn mưa, nước mắt rơi lã chã. Các cụ truyền nhau câu ai oán "Cắm đòn xóc đầu bờ còn chưa chắc ăn". Ấy thế mà mới chỉ hơn hai chục năm đổi mới, đồng đất Hà Trung đã đổi thay hẳn, đồng hai vụ chắc ăn, năng suất lúa đạt từ 11 đến 13 tấn một héc-ta một năm. Vừa rồi huyện Hà Trung đã thực hiện đề án đưa 2.000 héc-ta vào sản xuất tập trung năng suất cao, theo đó Nhà nước sẽ hỗ trợ và đầu tư kinh phí nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nội đồng cứ 100 triệu đồng cho 1 cây số và mua máy động cơ phun thuốc sâu, máy gặt đập liên hoàn, v.v. Anh Nguyễn Văn Long, cựu Chủ tịch xã Hà Phong, tâm sự với chúng tôi: Trong chiến tranh, vùng đất quê tôi trơ khấc, cỏ cây trơ trụi, hố bom hố đạn nham nhở thế mà chỉ sau mấy năm đình chiến, người dân ùa về, phố Lèn lại sầm uất. Giờ đây trong làng, trong xã đường sá đã bê-tông hết. Không chỉ riêng xã tôi, mà các xã bên như Hà Lâm, Hà Ngọc, Hà Ninh... cũng thế, xã nào cũng trường học cao tầng, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trường học phần nhiều đã đạt chuẩn quốc gia. Hà Trung là huyện dẫn đầu tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ tới năm mươi phần trăm. Rồi nhà trẻ, trường mẫu giáo... đều được xây dựng khang trang...
Người Ðò Lèn kiên cường trong chiến đấu nhưng cũng kiên gan trong chống chọi với thiên tai, xây dựng quê hương. Ðò Lèn hôm nay thuộc thị trấn Hà Trung, một đô thị cấp huyện sầm uất nhất nhì của tỉnh Thanh. Thị trấn huyện lỵ, một thị trấn kéo dài tới 5 cây số, nhưng phố xá gọn gàng, cửa hàng cửa hiệu san sát, đèn cao áp sáng trưng, chẳng kém gì thị xã. Năm 1977, khi chiến tranh vừa kết thúc, Công ty thuốc lá Thanh Hóa (một thời có tên là Lotaba) liền chọn đất Lèn để đứng chân, và hiện nay nộp ngân sách của công ty này đang dẫn đầu tỉnh Thanh. Nơi trận địa pháo phòng không năm xưa nay là Trung tâm thương mại Ðò Lèn sầm uất, hàng hóa phong phú chẳng kém gì siêu thị tỉnh thành; là cụm làng nghề, cụm công nghiệp nhỏ, v.v. Rồi phía bờ nam cầu Lèn, nhà máy sản xuất ô-tô Vinaxuki, một đơn vị liên doanh với nước ngoài vừa cho xuất xưởng đợt ô-tô đầu tiên; cùng với dự án Cảng Lèn, cảng đường thủy nội địa ở phía hạ lưu... sẽ là những họa tiết sinh động của bức tranh công nghiệp hóa nông thôn vùng Ðò Lèn.
Khu công nghiệp nhỏ và vừa bắc Cầu Lèn rộng gần trăm héc-ta, như một điểm nhấn của đô thị Lèn nay mai, đứng chân trên hai xã Hà Ðông và Hà Phong, lúc nào cũng ồn ào tiếng máy, tấp nập xe vào xe ra. Hàng chục doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đồ gỗ, đá ốp lát và đá mỹ nghệ, thu hút hàng nghìn lao động trong vùng. Ðây là nơi cung cấp vật liệu xây dựng cho không chỉ trong vùng, trong tỉnh mà còn vươn ra cả tỉnh ngoài, thậm chí còn xuất khẩu sang các nước Tây âu, được khách hàng ưa chuộng.
Vùng Ðò Lèn rất có lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Cụ Mai Hữu Ngoạn, một cán bộ lão thành ở Hà Ngọc tâm sự với chúng tôi: Vùng tả ngạn sông Lèn từ Hà Ngọc lên Hà Sơn phong cảnh diệu trí, núi non hùng vĩ. Ðặc biệt lối đền Cây Thị, núi Kim Âu, núi Chung Chinh, đền Hàn Sơn... là một danh thắng, hằng năm vẫn đón một lượng lớn du khách gần xa. Nếu quy hoạch thành cụm du lịch sinh thái-văn hóa, hẳn sẽ còn thu hút khách thập phương nhiều hơn nữa.
Ðò Lèn đang vươn mình, vươn mình với sức vươn của một mảnh đất từng kiên cường trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bảo vệ cầu và sức vươn của vùng đất đã bao năm chống chọi với thiên tai khắc nghiệt để có một Ðò Lèn sầm uất. Tin rằng trong tương lai gần chúng ta sẽ có một Ðò Lèn giàu và đẹp, một đô thị Lèn hiện đại... Ở phía bắc tỉnh Thanh, xứng tầm với những chiến công oanh liệt, hào hùng của một thời khói lửa.
Trích nguồn từ: lambang113113@yahoo.com.vn |